Trước và sau năm 1975, những người dân bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, bị dị dạng, dị tật đặc biệt nặng được giải quyết chế độ bảo trợ xã hội. Riêng người hoạt động kháng chiến chịu ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin bị thương, bị bệnh được giải quyết cùng chế độ thương binh, bệnh binh.
Tuy nhiên, theo T.Ư Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cả nước hiện vẫn còn khoảng 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, nhưng mới có khoảng 23.000 nạn nhân được hưởng chế độ, chính sách. Số lượng hồ sơ tồn đọng còn khá lớn, đời sống nhiều nạn nhân còn khó khăn, nhất là những gia đình có nhiều người bị nhiễm chất độc da cam.
Nhiều nạn nhân nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách như cháu của người hoạt động kháng chiến, những người hoạt động sau 30/4/1975 tại các khu vực đang còn tồn lượng chất độc hóa học cao.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách có nơi chưa chặt chẽ, ở một số địa phương để xảy ra sai sót, tiêu cực… trong quá trình thực hiện chế độ. Một trong những hạn chế của chính sách là chưa phân định rõ người bị nhiễm chất độc hóa học có biểu hiện bệnh, tật gì và con đẻ của họ dị dạng, dị tật như thế nào. Chính vì vậy, quy định về diện hưởng chế độ chỉ ghi nhận chung chung “mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc hóa học, không còn khả năng lao động” hoặc “bị dị dạng, dị tật, không có khả năng lao động, không tự lực được trong sinh hoạt”. Quy định chung chung, thiếu tính cụ thể áp dụng cho các trường hợp cụ thể chính là sự mâu thuẫn.
Mặt khác, quy định “bị mắc bệnh do nhiễm chất độc hóa học, bị suy giảm khả năng lao động” có thể hiểu và vận dụng theo nhiều cách khác nhau. Bệnh gì, mức độ, tình trạng của bệnh tật ra sao không có tiêu chí phân định rõ cho nên khi áp dụng, mỗi địa phương hiểu khác nhau, làm khác nhau, cách giải quyết chế độ cũng khác nhau.
Cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội. Riêng với người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, phải hoàn thiện chính sách, đặc biệt là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đầu tiên phải xác nhận người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin trên cơ sở xác lập danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan. Hoàn thiện chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học như chế độ trợ cấp đối với bệnh binh, đồng thời rà soát các văn bản đã ban hành để điều chỉnh, bổ sung vướng mắc tồn tại. Bộ Quốc phòng thúc đẩy tiến độ giải mã phiên hiệu các đơn vị quân đội trong thời gian ngắn nhất. Giải mã đến đâu, công bố đến đó, hướng dẫn đơn vị, cơ quan chức năng tiếp nhận giấy tờ liên quan đến quyết định phục viên, xuất ngũ của đối tượng để có yêu cầu giải mã phiên hiệu.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế sớm hướng dẫn xác định tiêu chí dị dạng, dị tật của con đẻ người hoạt động kháng chiến. Hướng dẫn các bệnh viện trong việc điều trị bệnh thần kinh ngoại biên liên quan đến chất độc hóa học. Chính sách với nạn nhân chất độc da cam/dioxin chỉ sát thực tiễn khi nó dựa trên những căn cứ khoa học, sát thực, cụ thể; dựa trên nỗ lực phối hợp liên ngành; kết quả nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và trước hết, trực tiếp nhất từ ngành chủ quản là Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội với tư cách là cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách.
Trong quá trình làm chính sách đó, T.Ư Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin có tiếng nói tham vấn rất quan trọng.\