Mười năm không tin nỗi đau da cam
Sinh ra trên miền quê nghèo thuộc xã Quế An (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), Nguyễn Ngọc Phương là kết quả tình yêu của cựu chiến binh Nguyễn Tấn Ngọc và cô gái thôn quê chân chất, đảm đang Nguyễn Thị Diệu. Thế nhưng, niềm vui, sự kỳ vọng của cặp vợ Ngọc – Diệu ngắn chẳng tày gang, khi đứa con thứ hai – Nguyễn Ngọc Phương – sinh ra với thân hình èo uột, nhỏ thó và đầy những khối u trên người.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Phương và học trò.
Giữa chốn làng quê nghèo khó, bà con trong xóm lại truyền tai nhau Phương sinh ra là “quả báo”, bởi những nghiệp chướng mà ông Ngọc và bà Diệu gây ra trước đây, “đời cha ăn mặn thì đời con khát nước”, đó là điều tất nhiên. Họ không cho con cái chơi với Phương, thấy gia đình Phương là tránh né như bệnh dịch. Tuổi thơ anh gắn liền với sự hắt hủi, ghẻ lạnh của bạn bè, chòm xóm.
May mắn thay, ba mẹ Phương rất mực thương con. Thấy con ốm yếu, bệnh tật, họ chạy đông, chạy tây để tìm thầy chữa. Vốn không có kiến thức về y học, nên cứ được ai mách nước có thầy hay, thuốc tốt là vợ chồng ông Ngọc lại bồng con chạy đến. Từ Đà Nẵng đến Sài Gòn, hiếm có nơi nào mà họ chưa đặt chân tới. Tài sản trong nhà cũng dần khánh kiệt theo những chuyến đi. Thậm chí, có người bày về làm lễ cúng bái, xin bùa chú, rước thầy mo…, vợ chồng ông cũng làm theo.
Trong thời gian đó, những đứa con khác của ông bà lần lượt ra đời, lành lặn và khỏe mạnh. Niềm tin về “quả báo” đối với ông Ngọc ngày càng lớn, nó thôi thúc ông phải làm gì đó để cứu con mình. Ông bán luôn căn nhà, để có tiền thuốc thang cho Phương. Nhưng tất cả cũng chẳng làm Phương khỏe lại, tay chân dần teo lại, khối u ở ngực ngày càng lớn hơn. 10 tuổi, Phương chỉ nặng 11kg.
Góc làm việc “tí hon”.
Tí hon nhưng ý chí khổng lồ
32 tuổi, nặng 20kg và cao không quá mặt bàn, đó là điều làm Phương luôn nhận được cái lắc đầu ái ngại của nhiều người khi làm bất cứ việc gì. Từ khi biết mình mang trong mình “nỗi đau da cam”, anh Phương luôn tự nhắc nhở phải cố gắng học hành, vì chỉ có kiến thức mới giúp mọi người thay đổi cách nhìn về anh.
10 tuổi, Phương xin ba đi học. Một lần nữa thương con, hằng ngày, thức dậy lúc 4h sáng, cõng đứa con tật nguyền trên lưng, ông vượt chặng đường 6km, băng một ngọn núi, một con sông để đưa con đến trường. Cứ thế, 12km mỗi ngày, không quản nắng mưa Phương vẫn tới lớp lúc đúng giờ. Thế nhưng phần nhà nghèo, 6 đứa con thơ dại, vợ chồng ông Ngọc chẳng thể nào kham nổi, phần sức khỏe ông cũng đã dần “héo úa” sau bao năm dắt díu Phương đi chữa bệnh. Vì vậy, khi Phương học đến lớp 2 đành chấp nhận nghỉ học để giúp gia đình và nhường phần ăn học lại cho các em. Cho đến tận bây giờ, Phương vẫn không nguôi tự trách mình: “Giá như lúc đó ba mẹ không phải chữa bệnh cho tôi thì có lẽ các em tôi đã sống tốt hơn, ba mẹ đỡ cực hơn và biết đâu tôi sẽ được đi học. Kể từ lúc đó, tôi mới thấy được tình cảm của be mẹ. Tôi quyết tâm đi học nghề”.
Thầy Nguyễn Ngọc Phương tự tin trong vai trò MC của một chương trình văn nghệ.
Rời Quế Sơn, Phương bắt đầu rong ruổi khắp đất Quảng Nam tìm thầy học nghề. May mắn đến với Phương khi anh đến TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) và được nhận học nghề trong một tiệm sửa đồng hồ. Thân hình “hạt tiêu” nhưng Phương rất sáng dạ, thầy dạy đâu Phương biết đó. Nhanh chóng Phương trở thành tay thợ chính trong tiệm. Chắt bóp dành dụm, Phương kiếm được số tiền đầu tiên. Phương nhớ lại: “Tôi gửi một nửa về cho ba mẹ, nửa còn lại tôi tự mua đồ nghề để xin thầy về quê kiếm sống. Nhưng ở quê, bà con vẫn không chấp nhận một đứa “tàn phế” như tôi. Một lần nữa, tôi quyết định ra đi”.
Sau đó, Phương vét hết túi tiền để mua một vé xe đò, một mình vào Sài Gòn học nghề với mong ước thay đổi số phận. Lúc đó Phương chỉ nặng 15kg. Chẳng một người thân thích, Phương lê đôi chân vẹo vọ đi khắp nơi mong có người thu nhận mình. Anh còn nhớ như in ngày ấy, mơ ước đến Sài Gòn để tiếp tục công việc đồng hồ mong kiếm được thu nhập khá hơn. Một lần nữa, may mắn và cũng là cơ duyên đã dẫn anh đến với nghề sửa xe máy. Anh kể: “Tôi được một bác tên là Mai Thành Hoàng cho tôi ở lại tiệm học nghề.” Nhờ thông minh, sáng dạ, học nghề được 3 tháng Phương “lên chức” thợ cả.
Anh khăn gói trở vở quê hương sau 10 năm kiếm sống ở nơi đất khách quê người. Cầm trong tay số tiền 5,4 triệu đồng, là số tiền Phương gom góp trong suốt 10 năm ở Sài Gòn, anh vay mượn thêm bạn bè để sắm chiếc xe máy và đồ nghề sửa xe. Phương mở tiệm. Nhưng rồi cũng nhanh chóng “tàn lụi”, bởi chẳng ai tin vào tay nghề của anh. Cứ vin vào lý do Phương là người khuyết tật để ăn chặn tiền sửa xe. Không đủ khả năng chi trả tiền thuê thợ và mặt bằng, gần 1 năm sau, Phương đành đứt ruột mà đóng cửa tiệm.
Không đầu hàng số phận, Phương chuyển sang nghề “sửa điện tại nhà”. Với bản tính nhiệt tình lại tỉ mỉ nên bất cứ khách hàng nào của Phương sau một lần sửa cũng tin tưởng anh. Có người thương còn cho anh thêm vài trăm nghìn. Phương vẫn hay nói đùa rằng: “Mình làm khó khăn hơn người ta nên phải đặt uy tín lên trên hết. Nhưng cũng từ đó mà mình càng ngày càng “đói” vì sửa mà nó lâu hư lại quá”. Cũng trong khoảng thời gian này, Phương bắt đầu gắn bó với công việc mới tại Trung tâm chất độc màu da cam Đà Nẵng.
Chúng tôi tìm đến địa chỉ 96 Đoàn Hữu Trưng, nơi Phương cùng cô em gái thứ 5 đang sinh sống. Chúng tôi sẽ không thể nào nhận ra đây là chỗ ở của hai anh em “da cam” cao chưa quá mặt bàn nếu không nhìn vào những vật dụng “tí hon” trong nhà. Căn phòng trọ không rộng lắm nhưng luôn sạch sẽ, gọn gàng. Ngồi vào góc làm việc, Phương tâm sự: “Thấy hoàn cảnh hai anh em như vậy nên cô chủ nhà cho ở không lấy tiền. Tôi xin phép đặt thêm tấm bảng “nhận sửa đồ điện tử” trước cổng, ai cần thì liên lạc, tôi đến sửa tận nơi. Chắt chiu tiền trọ và tiền làm thêm, tôi sắm sửa được chiếc bếp ga mini, chiếc tủ lạnh nhỏ để hai anh em nấu ăn chớ trước đây toàn ăn cơm bụi”.
Không muốn làm phiền bà con hàng xóm, càng không muốn họ bàn tán về anh em Phương như ngày ở quê, Phương luôn nhắc nhở em sống tốt, dù tật nguyền nhưng cũng phải học cho được con chữ. Phương chạy đôn chạy đáo xin cho cô em gái sinh năm 1988 vào học ở trường đại học Đông Á. Gánh lo trên vai anh từ đó cũng nặng hơn. Một mực muốn phụ giúp ba mẹ già ở quê, một mực muốn nuôi em ăn học. Vậy nên, giờ nghỉ của người khác và giờ làm của anh. Trên xe luôn “thủ sẵn” sợi dây xu, ai gọi đâu là anh có đó. Thậm chí ngày nghỉ, ngày lễ anh cũng luôn tay luôn chân…